Saturday, December 28, 2013

19 mẹo dạy con giỏi của người Nhật

Nhà sáng lập Sony, Ibuka Masaru, đưa ra những lời khuyên cực “đắt” cho bất kì ai muốn dạy con giỏi.

Ibuka Masaru là tác giả của cuốn sách về giáo dục trẻ em nổi tiếng 'Kindergarten is too late' (Đợi đến mẫu giáo thì đã quá muộn). Ông là một trong những nhà giáo dục đã viết ra những cuốn sách tuyệt vời làm thay đổi số phận của rất nhiều con người, giúp ích cho sự tiến bộ của giáo dục Nhật Bản.

Những dòng viết của Ibuka Masaru tuy chỉ ghi rằng dành cho trẻ từ 0-6 tuổi nhưng ngay cả với những bậc làm cha làm mẹ muốn con thành người thì những lời khuyên này vẫn không bao giờ là lỗi thời:

1. Trẻ cần phải được giáo dục ngay từ giai đoạn 0-3 tuổi. Thời kỳ này, bé chủ yếu học và tiếp nhận thông tin bằng khả năng ghi nhớ siêu phàm. Phương pháp của cha mẹ trong giai đoạn này, đó là “lặp đi lặp lại”. Thời kì lặp đi lặp lại ta dạy trẻ những gì thì hãy quan sát để xem trẻ có hứng thú với cái gì, hình khối, hội họa, âm nhạc, sách truyện, ...để từ đó chuyển qua giai đoạn tạo hứng thú cho trẻ.

2. Khi trẻ đang tập trung hay có hứng thú làm gì thì không nên ngắt giữa chừng mà cứ để trẻ làm, dù lúc đó chuẩn bị ăn cơm hay có việc gì.

3. Để tạo hứng thú cho trẻ thì nên khen trẻ hơn là chê, vì nếu ba mẹ chê việc gì trẻ làm thì tự nhiên trẻ sẽ không có tự tin để làm cái đó nữa.

4. Khi khen trẻ thì nên khen là tốt, con đã cố gắng, con giỏi và thể hiện sự hài lòng, vui mừng của mình hơn là việc đánh giá việc trẻ làm là đẹp hay xấu. Nghĩa là chú ý đến quá trình trẻ cố gắng hơn là kết quả mà trẻ đã làm được tốt hay xấu.

5. Tránh dùng những từ ra lệnh với trẻ ví dụ mẹ cấm con..., ăn cơm đi, đi tắm đi, thu dọn đồ chơi vào...mà thay bằng những từ như sao con không... nếu con làm...thì mẹ sẽ rất vui...

6. Nếu trẻ không ăn thì hãy nghĩ cách cải thiện món ăn để phù hợp với trẻ thay vì ép trẻ ăn đến phát khóc.

7. Cha mẹ cùng học với con cái là cách tốt nhất giúp con học hiệu quả. Ví dụ khi cho trẻ xem ti vi thì nên ngồi bên cạnh coi cùng trẻ rồi giải thích cho trẻ thay vì để trẻ ngồi coi ti vi một mình, cùng đọc truyện, cùng chơi...

8. Khi để trẻ trong trạng thái đói sẽ là điều kiện kích thích khả năng thích ứng của trẻ.

Học sinh tiểu học Nhật Bản học cách tự nấu ăn trưa cho mình

9. Không phải lúc nào cũng đáp ứng mọi đòi hỏi của trẻ, mà hãy đẻ trẻ trải qua cảm giác không có được điều mình muốn. Và đừng bao giờ đánh mất quyền và uy nghiêm của một người mẹ đó là con cái phải biết vâng lời và sợ lời mẹ nói. Nếu ta quá nuông chiều và cung phụng trẻ thì uy quyền của người mẹ sẽ không còn, con cái sẽ không còn sợ lời mẹ nói nữa.

10. Khi trẻ hỏi vì sao thì không nên giả vờ bỏ qua mà hãy trả lời. Nếu ta không biết câu trả lời thì hãy thành thực với trẻ và trả lời là để cha mẹ sẽ tìm hiểu sau. Không nhất thiết phải giải đáp cặn kẽ, hãy để câu trả lời sẽ là một kích thích để trẻ muốn tìm hiểu sâu hơn.

11. Học và chơi kết hợp song song chứ không nhất thiết phải phân biệt rõ ràng 2 công việc này.

12. Đối với những khái niệm trừu tượng thì hãy lấy hình ảnh hay tự mình làm ví dụ để minh họa.

13. Hãy chọn những đồ chơi kích thích khả năng sáng tạo của trẻ thì trẻ sẽ không bị mau chán. Ví dụ như chơi ghép hình, lấy cây gỗ để xếp nhà, nặn đất sét, vẽ tranh....

14. Đối với hứng thú của trẻ thì không nên đánh giá cái nào là tốt hơn. Cái nào trẻ tỏ ra có hứng thú ta cũng đều nên ủng hộ hết. Nó sẽ giúp trẻ tự tin, đồng thời đó là cách giúp cha mẹ tìm ra được năng khiếu đặc biệt ở trẻ để có thể giúp trẻ phát huy tối đa khả năng đó.

15. Khi dạy nói cho trẻ thì không nên phân biệt ngôn ngữ trẻ con với ngôn ngữ người lớn, hãy dạy tiếng chuẩn, ngôn ngữ người lớn luôn cho trẻ để sau này không mất công đoạn trẻ chuyển từ ngôn ngữ trẻ con sang ngôn ngữ chuẩn. Ví dụ dạy là “ăn” tốt hơn là dạy từ “măm”.

16. Đừng bao giờ so sánh trẻ với đứa trẻ khác vì như thế sẽ làm chúng mất tự tin, nhút nhát và không muốn cố gắng. Khi có hai anh em (chị em) thì cũng không nên so sánh hai anh em với nhau sẽ làm chúng trở nên không yêu thương nhau.

17. Trong học tập thì hãy ưu tiên dành thời gian dạy đứa lớn thì sẽ hiệu quả hơn. Khi đang chỉ bài cho đứa lớn mà đứa em cũng sà vào muốn làm theo thì hãy khuyến khích đứa em, hãy để đứa em học cùng anh. Hãy chuẩn bị hai bộ dụng cụ giấy bút để đứa em cũng có thể tham gia học hành hay chơi cùng. Đó là phương pháp rất hiệu quả để kích thích tinh thần ham học của đứa em. Hãy để hai anh em cùng chơi với nhau.

18. Khi hai anh em tranh giành đồ chơi thì hãy công bằng với cả hai. Nếu đứa em muốn có đồ chơi là đồ chơi của anh thì hãy nói đứa em xin phép anh để chơi, không nên can thiệp bảo anh hãy nhường cho em.

19. Đừng mua quá nhiều đồ chơi cho trẻ vì nó sẽ làm trẻ chóng chán và giảm hứng thú học hành.

(Eva)

Tuesday, August 13, 2013

Siêu bão Utor so sánh thế nào với Katrina?

(Và thang bão Việt Nam khác gì so với thang bão Mỹ?)


"Siêu bão Utor", theo như báo chí ta gọi, đang chuẩn bị đổ bộ vào đất liền Trung Quốc và cũng sẽ có ảnh hưởng không nhỏ đến Việt Nam. Nghe đến độ nguy hiểm và kinh khủng khi nhắc về cơn bão này làm tớ không tránh khỏi liên tưởng đến Katrina của Mỹ mấy năm trước. Thắc mắc được đặt ra là cơn bão này so với Katrina thì như thế nào, và thang bão của Mỹ khác thang bão của Việt Nam ra sao, sau đây là câu trả lời:

1> Về phân biệt thang bão: Mỹ hay sử dụng phân cấp bão theo "Thang bão Saffir-Simpson" còn ta phân bão theo cấp gió sử dụng Thang sức gió Beaufort.

2> Sở dĩ Việt Nam không sử dụng phân cấp theo thang bão Saffir-Simpson được giải thích vì "hầu như không có bão mạnh đến mức cần sử dụng thang bão Saffir-Simpson, nên chỉ cần sử dụng thang sức gió Beaufort để mô tả sức mạnh của chúng là đủ."

Lý do vì các cơn bão mạnh trên cấp 12 hầu như đều xuất phát từ ngoài đại dương, sau khi vượt qua Philipin để đổ bộ vào Việt Nam thì sức gió đã suy giảm rất nhiều. 

Gió xoáy có cấp Beaufort từ 6 đến 7 trên một diện rộng gọi là áp thấp nhiệt đới. Gió xoáy từ cấp 8 trở lên trên một diện rộng, có thể kèm theo mưa lớn gọi chung là bão. 

Bão Chanchu (2006) không đi vào vùng bờ biển Việt Nam, nhưng với cấp 4 theo thang bão Saffir-Simpson đã làm nhiều tàu thuyền bị đánh chìm và nhiều ngư dân Việt Nam bị chết trên biển Đông. Trong dự báo bão cho cơn bão Xangsane, lần đầu tiên người ta đã sử dụng sức gió cấp 13 và trên cấp 13.

Năm 2008 khi cơn bão số 6 mang tên quốc tế Hagupit (dùi cui) đi vào khu vực Bắc Biển Đông Việt Nam với sức gió tương đương với cấp 4 của thang bão Saffir-Simpson thì Việt Nam bắt đầu sử dụng cấp 13 - 17 khi đã nâng nó lên cấp ngưỡng đầu tiên của siêu bão là cấp 15.

3> Về "Siêu bão Utor" hiện tại, theo thông tin mới nhất trên Vnxpress lúc 11h15 ngày 13/8/2013, thì siêu bão này có sức gió đạt gần 170 km tương đương cấp 14 Beaufort, tức là chưa đạt "chuẩn" siêu bão Việt Nam. Thậm chí nếu chiếu theo thang bão Saffir-Simpson thì Utor "chỉ" đạt... cấp 2 (154–177 km/h).

Siêu bão Katrina năm 2005, trong khi đó, sức gió đạt ngưỡng 278km/h (đạt chuẩn bão cấp 5 thang bão Saffir-Simpson, tức trên 250 km/h). 

Hay nói một cách khác, so với Katrina, thì Utor vẫn chỉ xách dép cho "đàn chị" Katrina.

Hùng Anh


Xin lưu ý: Đây chỉ là thông tin nghiên cứu cá nhân, không có tính chất khinh thường mức nguy hiểm của các cơn bão.

Thông tin thêm về thang bão Saffir-Simpson:
http://en.wikipedia.org/wiki/Saffir–Simpson_hurricane_wind_scale 
http://vi.wikipedia.org/wiki/Thang_bão_Saffir-Simpson
Thang sức gió Beaufort:
http://vi.wikipedia.org/wiki/Thang_sức_gió_Beaufort
http://en.wikipedia.org/wiki/Beaufort_scale
Ảnh: Supercell storm, tác giả Sean Heavey, National Geographic.

Thursday, August 8, 2013

Tháng 9 năm 1752, 11 ngày biến mất trong lịch sử, nguồn gốc của nghỉ phép và April Fool's Day


Đây là ảnh chụp màn hình lịch tháng 9 năm 1752, một sự kiện thú vị trong lịch sử.

Bức ảnh không hề được Photoshop hay Mspaint, bạn cũng có thể tự mình Google lịch tháng 9 năm 1752 để tận mắt chứng kiến. 11 ngày trong tháng 9 này bỗng dưng… biến mất, từ ngày 3 đến 13. Nguyên do: Đây là tháng mà Vương Quốc Anh bắt đầu chuyển từ lịch Roman Julian (hay lịch Julius) sang lịch Gregorian (Gregory), tức lịch hiện đại, mà hầu hết các nước trên thế giới đang sử dụng.

Một năm lịch Julian dài hơn 11 ngày so với lịch Gregorian. Vì thế, nhà vua Anh ra lệnh xóa sổ 11 ngày trong tháng 9 năm 1752 đó ra khỏi lịch sử.

Cũng do vậy, công nhân của nước Anh tháng đó được làm việc ít hơn 11 ngày, nhưng vẫn được trả lương cả tháng. Đây là khởi đầu của cụm từ “paid leave” (hay nghỉ phép, không phải đi làm nhưng vẫn được trả lương). Đức Vua vạn tuế!

Trong lịch Julian cũ, tháng 4 là tháng đầu tiên của một năm, nhưng lịch Gregorian mới lại để tháng 1 là tháng đầu tiên. Kể cả khi đã chuyển sang lịch Gregorian, nhiều người vẫn tiếp tục giữ truyền thống cũ và tổ chức năm mới vào ngày 1/4.

Khi nói nặng nói nhẹ, kể cả ra luật cũng không được, Đức Vua Anh ban quốc lệnh tuyên bố những kẻ tiếp tục tổ chức năm mới vào ngày 1/4 sẽ bị gọi là những kẻ ngu ngốc (tiếng Anh: "Fools"), và kể từ đó, ngày 1/4 được gọi là "April Fool's Day." (Ngày của những kẻ ngốc, cá tháng tư).

Lịch sử quả thật rất thú vị.

Hùng Anh 
@Useful info

Saturday, February 2, 2013

Cà phê, Arabica và Robusta

"Cà phê" trong tiếng Việt để chỉ thức uống màu đen có chứa chất caffein và được sử dụng rộng rãi, được sản xuất từ những hạt cà phê được rang lên. Từ "Cà phê" này có gốc từ chữ "café" trong tiếng Pháp. Ở Ý hay Tây Ban Nha, thì "cà phê" là để chỉ kiểu pha Espresso. Nơi đây, Espresso là Cà phê và Cà phê là Espresso. Cây cà phê được trồng tại hơn 50 quốc gia trên thế giới, trong đó có một số nước xuất khẩu cà phê. Hạt cà phê được lấy từ hạt của các loài cây thuộc họ cà phê (Rubiaceae), có 3 dòng cây cà phê chính đó là Arabica, Robusta và Liberia.

Arabica và Robusta

Cà phê Arabica và Robusta là hai loại cà phê phổ biến nhất và cũng chiếm tỷ lệ áp đảo nhất trong tất cả các loại cà phê trên thế giới.

Chất lượng hay đẳng cấp của cà phê khác nhau tùy theo từng loại cây, từng loại hạt và nơi trồng khác nhau. Cà phê Robusta được đánh giá thấp hơn so với cà phê Arabica do có chất lượng thấp hơn và giá cả theo đó cũng rẻ hơn.

So với Robusta, Arabica đòi hỏi được gieo trồng ở những vùng đất cao hơn, có khí hậu mát mẻ hơn, khoảng 3,000 - 6,000 feet (900-1800 mét) so với mực nước biển. Cà phê Arabica cho mùi vị ngon hơn nhưng cũng là loại "khó tính" hơn Robusta. Thời gian để quả cà phê Arabica chín lâu hơn, sản lượng cũng thấp hơn, tuy nhiên Arabica lại cho những hạt cà phê có mùi vị thơm ngon hơn, chính vì thế giá thành của nó cũng cao gấp đôi so với Robusta.

Trong khi đó, Robusta dường như "dễ chịu" hơn, loại cà phê này lại ưa thích điều kiện khí hậu ấm và khô hơn, độ cao lý tưởng khoảng 2,000 feet (600 mét) so với mực nước biển. Như chính tên gọi của mình, Robusta có sức phát triển mạnh mẽ và khả năng chịu đựng cũng thật đáng nể trong những điều kiện bất lợi mà Arabica sẽ tàn lụi.

Sự phối trộn giữa Arabica và Robusta được tiến hành nhằm tạo nên sự cân bằng và phong phú cho tách cà phê. Tính chua thanh của Arabica khi kết hợp với thể chất đậm đà của Robusta sẽ tạo nên một loại cà phê hòan hảo.


Sản xuất Cà phê

Cà phê chia ra nhiều loại tùy theo cách rang. Rang cà phê là để cho bớt độ ẩm trong hạt, dầu thơm tỏa ra. Chừng một thế kỷ trước, cà phê phải rang tại nhà bằng lò than. Hiện nay người ta rang bằng gas hay bằng điện nhưng có nơi vẫn rang bằng than, cho rằng rang bằng than ngon hơn.

Sấy cà phê công nghiệp
Trong kỹ nghệ, cà phê được rang với số lượng lớn dùng nhiệt độ cao trong một thời gian nhanh (khoảng 204 đến 260 °C trong vòng 5 phút) rồi làm nguội bằng quạt hơi hay rảy nước cho khỏi cháy khét. Gần đây nhất, cà phê được kiểm soát bằng máy tính qua mọi tiến trình. Cà phê nay được bán trong các tiệm bách hóa thường rang và xay ngay tại chỗ cho thêm phần quyến rũ và bảo đảm với khách hàng là sản phẩm còn tươi nguyên mới ra lò.

Người ta có thể rang sơ sài còn được gọi dưới cái tên Cinnamon roast (thời gian khoảng 7 phút), rang vừa (medium roast) còn gọi là full city hay brown (thời gian từ 9 đến 11 phút) hay rang kỹ (full roast) tức là rang kiểu Pháp thời gian từ 12 đến 13 phút. Những cách rang kỹ nhất đến cháy xém khiến cho hạt cà phê bóng nhẫy là kiểu rang của người Ý (espresso) thì phải từ 14 phút trở lên cho đến khi bắt đầu cháy thành than.

Cà phê cũng phân biệt theo cách xay, xay mịn hay to hạt tùy theo cách pha. Trong khoảng một trăm năm trở lại đây, người ta đã chế biến ra loại cà phê bột, chỉ cần bỏ vào nước sôi là uống được. Cà phê bột được điều chế theo hai cách: làm khô bằng cách đông lạnh (freeze drying) hay làm khô bằng cách phun (spray drying). Cả hai đều phải được lọc trước để rút hết tinh chất rồi phun ra thành những hạt li ti để làm khô. Nhiều kỹ thuật mới đã được thí nghiệm để cà phê bột không bị biến dạng và mất mùi. Tuy nhiên những người khó tính vẫn cho rằng cà phê bột không thể nào bằng cà phê pha được.


Cách pha cà phê

Cách thưởng thức cà phê thay đổi tuỳ theo từng nền văn hoá, tập quán dân tộc hay khẩu vị từng cá nhân. Về cơ bản người ta phân biệt 5 hình thức khác nhau:

Ở các nước Đức, Thuỵ Sỹ và Mỹ người ta pha cà phê bằng cách cho nước sôi chảy qua một cái túi lọc chứa bột cà phê. Cách thức này được Melitta Bentz phát minh ra vào năm 1908.

Espresso "chuẩn" dùng nước nóng nén áp suất cao (9 đến 10 bar) chỉ có thể pha được bằng máy
Phổ biến nhất ở Ý là cà phê espresso. Loại cà phê này được pha bằng cách cho nước bị ép dưới áp suấp cao chảy qua cà phê xay cực mịn. Cách pha này sẽ tạo ra một lớp kem từ dầu cà phê.

Thổ Nhĩ Kỳ và các nước vùng Balkan pha cà phê theo "kiểu Thổ Nhĩ Kỳ". Theo cách này cà phê xay mịn, đường và nước được cho vào một loại ấm mỏng hình chóp rồi đun lên.

Pha kiểu Pháp: kiểu pha này khá nổi tiếng và cũng rất gần gũi với nhiều người. Họ dùng một loại bình gọi là French press có cấu tạo tương tự như phin cà phê của Việt Nam. Bột cà phê được cho vào trong bình rồi dùng một miếng lọc bằng kim loại ép lên trên (press), sau đó rót nước sôi vào và đậy nắp lại. Nước sôi sẽ qua miếng lọc rồi thấm dần vào bột cà phê. Do tốc độ chảy của nước khi qua miếng lọc rất chậm nên cà phê sẽ rất đặc.

Cà phê tan: loại cà phê chỉ cần đổ nước nóng vào, khuấy lên là có thể uống ngay.

Trên cơ sở năm cách pha chế trên mà ngày nay người ta phát minh ra hàng trăm công thức pha cà phê cũng như hàng ngàn món đồ uống có chứa cà phê. Nhiều cách thức đòi hỏi phải có máy pha cà phê chuyên dụng.


Một số cách pha Cà phê nổi bật

Ấm pha epresso cổ điển "Bialetti"
- Cà phê espresso được pha chế bằng cách dùng nước nóng nén dưới áp suất cao (khoảng 9 đến 10 bar) qua bột cà phê được xay rất nhuyễn. Pha chế bằng phương pháp này cà phê sẽ rất đậm và trên mặt có một lớp bọt màu nâu (crema) đóng phần quan trọng trong việc tạo hương thơm cho cà phê. Cà phê espresso thường được uống bằng tách dầy có hâm nóng trước, dung tích vào khoảng 40 ml và có hoặc không pha đường tùy theo khẩu vị. Cà phê espresso thường được phục vụ kèm theo một ly nước.

Người Ý cũng như trên thế giới thường dùng ấm pha cà phê espresso để pha loại cà phê này. Nổi tiếng nhất, thuộc vào trong số các ấm pha cà phê espresso cổ điển là kiểu "Moka Express" do Alfonso Bialetti thiết kế năm 1933, loại vẫn còn được dùng trong nhiều gia đình trên toàn thế giới ở hình dáng nguyên thủy của nó. Vì ở loại ấm này còn xa mới đạt đến áp suất 8 bar (nhiều nhất chỉ có thể là 1,5 bar) nên chính xác mà nói thì đây không phải là cà phê espresso.

- Cà phê mocha là một loại đồ uống nóng khá ưa chuộng. Thành phần là hỗn hợp giữa cà phê espresso được pha bằng hơi nước và chocolate nóng. Không như cappuccino chỉ với một lớp bọt sữa trên bề mặt, cà phê mocha còn hòa quyện cả vị thơm béo của kem tươi và chocolate sauce. Với mùi hương nhẹ của cà phê, vị ngọt dịu của sữa tươi và chocolate, cà phê mocha rất thích hợp là một món giải khát trong những ngày trời nóng bức. Hương vị đậm đà của nó làm cho tinh thần sảng khoái và đặc biệt thích hợp cả với những người không quen uống cà phê. Do vậy thức uống này rất ưa chuộng, nhất là ở Mỹ, do có ít caffein nên thích hợp với mọi lứa tuổi, không lo lắng bị nóng hay mất ngủ.

Cappuccino
- Cà phê cappuccino là một cách pha chế cà phê của Ý. Một cà phê cappuccino bao gồm ba phần đều nhau: cà phê espresso pha với một lượng nước gấp đôi (espresso lungo), sữa nóng và sữa sủi bọt. Để hoàn thiện khẩu vị, người ta thường rải lên trên tách cà phê cappuccino một ít bột ca cao và/hay bột quế. Trong các quán cà phê ở Ý, người đứng bán ở bar (barista) thường dùng khuôn hay dùng thìa và bằng cách khuấy điệu nghệ trong lúc rắc bột để tạo thành các hình nghệ thuật (hình trái tim, đám mây, bướm,...).

Chocolaccino: cappuccino thêm sôcôla nghiền
Coretto: cà phê espresso với rượu mạnh, ví dụ như Coretto con Grappa, Coretto con Fernet ...

- Cà phê latte (tiếng Ý: caffè latte) là kiểu cà phê sữa của Ý, thường được uống trong bữa ăn sáng. Người Ý uống cà phê latte trong một cốc to, có khi đựng trong bát. Một cốc latte bao gồm 2 phần: espresso (khoảng 50 ml) và sữa nóng. Bọt sữa hiếm khi được sử dụng.

- Latte macchiato là một loại đồ uống nóng rất được ưa chuộng. Thành phần của nó gồm có cà phê espresso và sữa. Về cơ bản thì latte macchiatio giống như cà phê sữa, nhưng lượng sữa nhiều hơn. Ở Ý ban đầu loại cà phê này được làm riêng cho trẻ em để chúng cũng được uống "cà phê" như người lớn, vì thế mà lượng caffein trong latte macchiato rất ít. Dần dần người lớn cũng mê loại đồ uống này. Thường thì người ta uống latte macchiato bằng một loại cốc thủy tinh cao, có thành dày. Một cốc latte macchiato đúng nghĩa phải bao gồm 3 tấng phân biệt rõ ràng, được rót vào theo thứ tự lần lượt và không trộn lẫn với nhau. Sữa được rót vào cốc đầu tiên, tạo nên tầng thấp nhất có màu trắng. Sau đó là bọt sữa - tầng cao nhất. Cuối cùng người ta rót espresso qua lớp bọt sữa. Bởi lớp sữa chứa nhiều chất béo nên có độ đậm đặc cao hơn cà phê espresso, cho nên lớp cà phê nổi lên trên lớp sữa, tạo thành tầng ở giữa. Bọt sữa của loại sữa giàu béo tồn tại lâu hơn bọt của loại sữa nghèo béo. Thường thì người ta rắc lên trên lớp bọt sữa bột cacao, sôcôla hoặc gia vị (ví dụ như quế) để trang trí.
Americano gần giống với nước
"suýt Cà phê"sau khi pha phin ở VN

- Caffè americano: Cà phê espresso được pha loãng với cùng một lượng nước hay gấp đôi. (Chú ý: Không phải là cho gấp đôi lượng nước chảy qua bột cà phê). Cần phân biệt Americano với Lungo - espresso pha với lượng nước nhiều gấp đôi.

- Café Brulot hoặc Café Royal: Cognac pha đường và cà phê


Cà phê ở Việt Nam 

Ðược du nhập vào Việt Nam bởi những người Pháp theo Thiên Chúa Giáo vào những năm 1850. Việt Nam đã và đang trở thành nước đứng thứ 2 trên thế giới về xuất khẩu cà phê, sau Brazil.

Sản xuất trên 1 triệu tấn cà phê mỗi năm nhưng Việt Nam chỉ tiêu thụ 10% số lượng này. Số còn lại được xuất khẩu ra thế giới chủ yếu là các nhà sản xuất cà phê hòa tan nổi tiếng.

Việt Nam là nước sản xuất cà phê nhiều thứ 2 thế giới. Số liệu năm 2011 về lượng sản xuất đứng đầu là Brazil 2,6 triệu tấn, tiếp theo là Việt Nam 1,2 triệu tấn, bỏ xa Indonesia đứng thứ 3 với chưa đến 500 nghìn tấn.
Việt Nam chủ yếu trồng Robusta
nhưng Arabica cũng đang được
phát triển ở những vùng thích hợp

Ða số cà phê trong nước được sản suất bởi những hộ gia đình với diện tích gieo trồng khoảng 2-5 hecta/hộ. Các công ty Nhà nước chiếm khoảng 15% và cà phê được trồng trong những nông trại lớn hơn. Buôn Ma Thuột, Dak Lak và vùng Cao Nguyên Trung Bộ là những vùng sản xuất cà phê nổi tiếng ở Việt Nam.

Robusta là loại hạt cà phê được gieo trồng chủ yếu ở Việt Nam do tính đặc trưng về địa lý, khí hậu và độ cao so với mực nước biển. Chính Phủ đang lên kế họach thay thế việc gieo trồng Robusta bằng Arabica ở những vùng thích hợp. Tuy dòng cà phê Arabica cho sản lượng thấp hơn nhưng nếu tính cùng số lượng thì lợi nhuận thu được gấp đôi so với Robusta.

Với hơn 150 năm thừa hưởng văn hóa cà phê, dân thưởng thức cà phê sành điệu Việt Nam đã và đang đưa cà phê trở thành một phần của văn hóa Việt Nam. Họ ngồi tán gẫu, nhìn những giọt cà phê đậm đà rơi, sự chọn lựa duy nhất còn lại chỉ là việc thêm đá, sữa đặc, hay cả hai.


Uống Cà phê ở Việt Nam

Cà phê đen nóng: Bỏ cà phê xay vào phin cà phê, nêm chặt cà phê, rồi chế nước sôi lên. Hứng cà phê rỉ ra từ dưới phin. Có hoặc không thêm đường tùy sở thích. (phin=filtre, có nguồn gốc tiếng Pháp, hay filter trong tiếng Anh). Phin thường làm bằng nhôm, nhưng ngày nay do nhu cầu cao của cuộc sống, dịch bệnh lan tràn các loại phin nhôm dần được thay thế bằng loại phin giấy sử dụng một lần "ly cà phê phin tiện dụng "

Cà phê phin Việt Nam (ảnh: sarah le)
Cà phê sữa nóng: dưới đáy ly/cốc có để sẵn sữa đặc (nhiều ít tùy ý), cà phê nóng rơi xuống từ phin, quấy đều. Theo thói quen, cà phê nóng và cà phê sữa nóng thường uống vào buổi sáng sớm trong/trước bữa ăn sáng. Nhiều người uống cà phê nóng/cà phê sữa nóng mà không cần ăn sáng.

Cà phê đá, như cà phê nóng, nhưng cà phê pha đặc (nhiều bột cà phê), rồi thêm đá lạnh, có người thích bỏ đường, có người không, tùy "gu".

Cà phê sữa đá: Như cà phê sữa nóng, nhưng pha thật đặc (nhiều cà phê, nhiều sữa), rồi cho thêm đá lạnh, quấy đều.

Bạc xỉu (tiếng Hoa “白小”có nghĩa là "trắng và ít" ,xuất phát từ thói quen uống cà phê của người Việt gốc Quảng Đông , chỉ phổ biến trong miền Nam): Như cà phê sữa, nhưng lượng sữa nhiều hơn, và ít cà phê hơn, thích hợp cho nữ giới; có thể thay sữa đặc bằng sữa tươi. Có hai loại, bạc xỉu nóng và bạc xỉu đá.

Cà phê trứng - có hai loại:
- Đập một quả trứng sống vào một tách cà phê nóng, thêm đường, có hoặc không có sữa;
- Lòng đỏ trứng được đánh bông thành kem, phía dưới có một lượng nhỏ cà phê đen.

Cà phê tại Việt Nam thường được thưởng thức qua các phin cà phê (gốc là từ filtre trong tiếng Pháp). Hạt cà phê thường được xay nhỏ, nén vào trong các phin và nước sôi được đổ lên trên để được lọc vào một ly, hay tách, tại bên dưới của phin. Có nhiều loại phin cà phê mà hai loại thông dụng nhất được làm bằng nhôm hay inox, ngoài ra còn có phin tiện dụng bằng giấy chỉ sử dụng một lần. Có tên là "ly cà phê phin tiện dụng" sản phẩm do một sinh viên trường y sáng chế, ưu điểm và hoạt động như một phin truyền thống đã có từ xa xưa.

Trên thị trường Việt Nam, có xuất hiện cách chế biến cà phê bằng đậu nành, bắp rang cháy pha trộn cùng với hàng chục loại phụ gia, hương liệu hóa học để thành các loại bột cà phê. các chất độn cà phê như bắp rang, đậu nành bị rang cháy đen sẽ rất có hại cho sức khỏe người tiêu dùng. Cụ thể, nếu bắp, đậu nành khi bị rang cháy đen, có mùi khét thì hoàn toàn không còn giá trị dinh dưỡng. Khi đậu được rang với nhiệt độ cao hoặc bắp cháy sẽ sinh ra nhiều loại chất độc hại. Trong đó, các chất như acrylamide, heterocyclic amines, HCAs... là những chất có khả năng gây ung thư cho người sử dụng. Việc các cơ sở sản xuất lạm dụng nhiều chất phụ gia hóa chất với liều lượng quá nhiều sẽ gây nguy hại cho sức khỏe người dùng. Nếu cho quá nhiều đường hóa học sẽ dẫn tới triệu chứng tiêu chảy. Các chất phụ gia khác cho vượt mức nhiều lần sẽ gây tồn dư các kim loại nặng, các kim loại này sẽ lắng lại ở gan, ruột, thận và dẫn tới các bệnh lý ở các cơ quan này.


Cà phê chồn

Cà phê "chồn", thực ra là cầy
vòi đốm
Loại cà phê đắt nhất và hiếm nhất thế giới tên là Kopi Luwak (hay "cà phê chồn") của Indonesia và Việt Nam. Đây không phải là một giống cà phê mà một cách chế biến cà phê bằng cách dùng bộ tiêu hóa của loài cầy. Giá mỗi cân cà phê loại này khoảng 20 triệu VND (1300 USD) và hàng năm chỉ có trên 200 kg được bán trên thị trường thế giới. Tuy tiếng Việt nhắc đến chồn nhưng động vật liên quan là con cầy vòi đốm chứ không phải là chồn. Trong khi đó tên gọi Kopi Luwak bắt nguồn từ từ kopi trong tiếng Indonesia có nghĩa là cà phê. Luwak là tên một vùng thuộc đảo Java, đồng thời cũng là tên của một loài cầy cư trú ở đó.

Loài cầy vòi đốm (Paradoxurus hermaphroditus) thuộc họ Cầy (Viverridae). Loài này phân bố rải rác ở các nước vùng Đông Nam Á như Indonesia, Philippines, Việt Nam và miền nam Trung Quốc. Thức ăn ưa thích của chúng là trái cây trong đó có quả cà phê. Tuy nhiên, khi vào dạ dày chỉ có phần thịt cà phê được tiêu hoá, còn hạt cà phê lại theo đường tiêu hóa bị thải ra ngoài. Dưới tác dụng lên men của các enzym trong dạ dày mùi vị của cà phê bị biến đổi, tạo ra hương vị đậm đà, hơi lẫn mùi mốc. Diễn viên người Anh John Cleese đã tả rằng: "nó vừa có vị bùi bùi của đất, lại ngai ngái như bị mốc, vừa dìu dịu, lại giống như nước sirô, đậm đà như mang theo âm hưởng của rừng già và của sôcôla." Đúng ra thì chỉ có phần thịt cà phê được lên men tiêu hoá. Hạt cà phê còn có lớp vỏ cứng bảo vệ, cho nên nếu như có chịu tác dụng của enzym đi chăng nữa thì tác dụng đó cũng là rất nhỏ.

Đối với những người sành cà phê thì Kopi Luwak của Indonesia ngon hơn và giá thành do vậy cũng cao hơn. Một kg Kopi Luwak có giá thành hơn 20 triệu VND (1300 USD) và mỗi năm cũng chỉ có khoảng 200 kg được bán trên thị trường thế giới.


Ảnh hưởng của cà phê

Cà phê từ lâu đã được biết đến với công dụng kích thích sự hưng phấn của thần kinh dưới ảnh hưởng của caffein. Nhưng có những công hiệu của cà phê còn ít được biết đến. Chẳng hạn như cà phê có tác dụng an thần. Người ta đã chứng minh được rằng, nếu đi ngủ trong vòng 15 phút sau khi uống cà phê thì giấc ngủ sẽ sâu hơn, bởi máu trong não được lưu thông tốt hơn. Nhưng nếu tiếp tục chần chừ thì tác dụng này sẽ mất dần đi, và sau đó thì caffein bắt đầu phát huy hiệu quả, chúng ta sẽ không ngủ được nữa. Phương pháp an thần này đã được sử dụng ở nhiều bệnh viện, đặc biệt đối với các bệnh nhân cao tuổi. Ở những người này cà phê sẽ chống lại sự suy giảm nhịp thở trong lúc ngủ, khiến cho giấc ngủ của họ được tốt hơn.

Decaf - (Ảnh: scientificamerican)
Theo một bài báo trong tạp chí chuyên ngành Sleep (Vol.27, Nr.3), để tận dụng được công dụng của cà phê trong việc kích thích sự tập trung và hưng phấn thì nên uống cà phê nhiều lần trong ngày, mỗi lần một ngụm nhỏ, thay vì uống một cốc thật to vào buổi sáng. Cách này đặc biệt thích hợp với những người phải làm việc vào ban đêm: họ sẽ cảm thấy dễ thức khuya hơn cũng như giữ được sự tập trung cao hơn.

Tuy vậy loại đồ uống thơm ngon này cũng có thể có một vài tác dụng xấu đối với sức khỏe. Nó làm tăng đột ngột lượng insulin trong máu, làm mất thăng bằng cơ thể cũng như ảnh hưởng không tốt tới tuyến tuỵ. Đặc biệt đối với những người bị viêm tuỵ thì việc sử dụng cà phê là điều cấm tuyệt đối. Những bệnh nhân bị bệnh tiểu đường cũng không nên dùng cà phê, hoặc nếu có thì chỉ được dùng rất ít. Cà phê nếu dùng quá nhiều cũng có thể làm sưng màng nhầy ở dạ dày. Quan niệm cho rằng uống cà phê với sữa sẽ làm giảm bớt nguy cơ này là hoàn toàn sai lầm. Caffein sẽ hoà quyện với chất béo trong sữa và nhờ đó bám được ở màng dạ dày trong thời gian lâu hơn.

Những nghiên cứu ngày nay cũng chỉ ra rằng tác dụng lợi niệu của cà phê là không rõ ràng. Ở nhiều nhà hàng người ta thường phục vụ một ly nước kèm theo tách cà phê, với mục đích bù đắp lại lượng nước tưởng như sẽ bị mất của cơ thể. Nhưng thực ra việc uống nước sau khi nhấp một ngụm cà phê chỉ có tác dụng tráng miệng để tiếp tục thưởng thức vị ngon của ngụm tiếp theo, hoặc của các đồ ăn thức uống khác mà thôi.

Trung tâm ung thư quốc gia Nhật Bản ở Tokyo đã thực hiện một thí nghiệm kéo dài 10 năm trên 100.000 người uống cà phê và phát hiện ra trong số họ chỉ có 214 người mắc phải chứng ung thư thận. Trong khi đó ở những người không uống cà phê, tỉ lệ này là 547/100.000, nghĩa là cao hơn hai lần. Từ đó họ rút ra kết luận rằng các chất chống ôxy hoá (antioxidant) trong cà phê có khả năng bảo vệ các tế bào thận khỏi bị ăn mòn. Thí nghiệm so sánh cũng chỉ ra rằng trà xanh không có tác dụng bảo vệ trên giống như của cà phê.

Trước đây cà phê từng bị coi là chất gây nghiện và tạo ra chứng bất lực. Tuy nhiên vào năm 1923, qua một thí nghiệm ở người, nhà nghiên cứu Amantea đã phát hiện ra rằng, caffein không chỉ tăng hưng phấn trong việc quan hệ tình dục khác giới mà còn tăng khả năng đạt cực khoái cũng như tăng số lượng tinh trùng ở đàn ông.

Gần đây nhất, khi người ta e ngại caffeine trong cà phê có thể gây kích thích, và có hại cho sức khỏe nên đã tìm cách rút chất này ra gọi là decaffeinated coffee (hay viết tắt là decaf).


Một số điều thú vị về Cà phê

- Không giống như các loại đồ uống khác, chức năng chính của cà phê không phải là giải khát, mặc dù người dân Mỹ uống nó như thức uống giải khát. Nhiều người uống nó với mục đích tạo cảm giác hưng phấn. Theo một nghiên cứu được công bố vào tháng 8 năm 2005 của nhà hoá học Mỹ Joe Vinson thuộc Đại học Scranton thì cà phê là một nguồn quan trọng cung cấp các chất chống ôxi hóa (antioxidant) cho cơ thể, vai trò mà trước đây người ta chỉ thấy ở hoa quả và rau xanh. Những chất này cũng gián tiếp làm giảm nguy cơ bị ung thư ở người.

- Ban đầu cà phê rất đắt, vì thế chỉ có tầng lớp quý tộc hoặc những người giàu có mới được thưởng thức thứ đồ uống thơm ngon này.

- Honoré de Balzac thường uống loại cà phê rất đặc để có thể thức làm việc. Ông thường làm việc tới 12 tiếng một ngày. Ludwig van Beethoven có thói quen lựa chọn đủ 60 hạt cà phê để pha một tách Mokka. Johann Wolfgang von Goethe thì có ý tưởng chưng cất cà phê. Về sau nhà hoá học Friedlieb Ferdinand Runge đã chuyển hoá ý tưởng này thành hiện thực, nhờ vậy mà ông tìm ra caffein.

- Vào những thời kỳ khủng hoảng, người nghèo không có đủ tiền mua cà phê, họ phải uống các loại đồ uống giả cà phê để thay thế. Ngày nay, ở một số nước người ta coi việc uống cà phê như một thức uống phổ thông (cà phê thường có hàm lượng Cafein thấp) và ăn kèm bánh trái hoặc hoa quả.

- Người Phần Lan uống nhiều cà phê nhất thế giới. Năm 1998 mỗi người Phần Lan tiêu thụ khoảng 11,3 kg cà phê, tương đương với 1737 tách mỗi năm hay 5 tách mỗi ngày. Nước tiêu thụ cà phê lớn nhất thế giới là Hoa Kỳ. Năm 1998 dân nước này sử dụng 1.148.000 tấn cà phê (so với 58.000 tấn của Phần Lan). Trung bình mỗi người Mỹ tiêu thụ 4,8 kg hay 646 tách một năm (1,8 tách một ngày).

- Mỗi người Đức uống trung bình 4 tách cà phê một ngày, tương đương với 160 lít hay 6,7 kg một năm. Vì vậy cà phê là thức uống được ưa thích nhất của người Đức đứng trước bia . Ở Việt Nam lượng cà phê tiêu thụ nội địa còn rất khiêm tốn. Mỗi người Việt Nam một năm chỉ dùng hết khoảng nửa kg cà phê, bằng một phần mười các nước châu Âu.

- Do chứa hàm lượng chất dinh dưỡng cao nên người ta có thể sử dụng bã cà phê như một chất bón cây rất hữu hiệu. Trong thành phần của nó chứa nhiều canxi, phốt pho, nitơ cũng như các chất khoáng khác giúp ích cho sự phát triển của cây. Bã cà phê còn là một chất rửa tay tuyệt vời. Ngoài ra, do bao gồm nhiều hạt nhỏ và không bị bám dính nên người ta thường sử dụng bã cà phê để làm sạch những vật dụng mà tay không thò vào được như chai lọ hay các ấm đun nước. Cuối cùng, bã cà phê là thức ăn yêu thích của nhiều loài giun, vốn là người bạn gần gũi của cây cối.

Hùng Anh
(2/2/2013)